Search

Hành trình Miền Tây – Trải nghiệm học tập đáng nhớ của sinh viên 60C.QTDL và 61C.QTDL

"Nếu có thứ không lãng phí tiền bạc, đó là đi du lịch. Du ngoạn thế giới. Ngắm nhìn một chân trời mới. Khám phá một quan điểm khác. Đi du lịch là liều thuốc cho sự thờ ơ... Nó thay đổi suy nghĩ, cái nhìn của bạn, cách bạn tin vào điều gì đó." - Trevor Noah

 

Hành trình Miền Tây – Trải nghiệm học tập đáng nhớ của sinh viên 60C.QTDL và 61C.QTDL

Trong học kỳ I năm học 2020 – 2021, các bạn sinh viên các lớp 60C.QTDL và 61C.QTDL đã có một chuyến học tập thực tế 6N5Đ mang tên “Hành trình Miền Tây” (14/11 – 19/11). Có lẽ đây là “lớp học” đặc biệt và khó khăn nhất của các bạn: lớp học trên xe rong ruổi qua các cung đường từ miền Trung đến miền Nam; người đứng lớp là các “đồng nghiệp tương lai” – những anh/chị hướng dẫn viên dày dạn kinh nghiệm; bài tập nhóm là thuyết trình và tổ chức hoạt náo; tiêu chí đánh giá không chỉ là nội dung, kỹ năng mà còn là không khí các bạn tạo được ở trên xe; và trên hết là yêu cầu về sức khỏe tốt. Dường như các lớp học như thế chỉ riêng ngành Du lịch mới có. Đó cũng là sự “thử lửa” cho các bạn sinh viên trước khi bước vào kỳ thực tập và công việc tương lai. Chuyến đi đã mang lại nhiều bài học và cảm xúc cho các bạn sinh viên. Tất cả được thể hiện rõ nét trong các bài báo cáo, vừa đánh giá chi tiết vừa gửi gắm suy nghĩ, tình cảm chân thành, mộc mạc mà các bạn nộp lại sau chuyến đi.

Đó là bài học về kiến thức chuyên ngành. Mỗi người hướng dẫn viên gần như là cuốn bách khoa toàn thư về lịch sử, địa lý, văn hóa của mọi vùng đất mà họ cùng du khách đi qua. Kiến thức được thu thập không chỉ qua sách vở, Internet, hay học hỏi lẫn nhau mà còn qua những cuộc trò chuyện với người dân địa phương, qua trải nghiệm và chiêm nghiệm của bản thân. Kiến thức chỉ là một khối khô cứng nhưng khi người hướng dẫn viên bóc tách được thông tin và đặt được “cái chất” của bản thân vào, tự khắc họ tạo được sự kết nối, một cuộc đối thoại với du khách đi cùng. Bởi vậy mà thường các anh/chị hướng dẫn viên hay dùng chữ “chia sẻ” nhiều hơn là “nói” hay “thuyết minh” về một vùng đất nào đó.

Đó là bài học về sự chuyên nghiệp. Trong suốt cuộc hành trình, bên cạnh kiến thức và kỹ năng, các bạn sinh viên còn được các anh/chị hướng dẫn viên kể cho nghe những câu chuyện nghề, vui có buồn có, kỳ lạ cũng có. Sự yêu nghề, có tâm với nghề là cốt lõi để tạo nên sự kiên cường bình tĩnh, không quản ngại khó khăn, áp lực để mang lại cho du khách trải nghiệm tốt nhất. Sự chuyên nghiệp không hề xa vời mà thể hiện qua những điều đơn giản nhất: chuẩn bị hành trang phù hợp, gọn gàng đầy đủ; có mặt sớm để làm việc đúng giờ; giữ đúng lời hứa với khách hàng; có thái độ hợp tác và tích cực trong công việc. Có những cái sẽ đi cùng với kinh nghiệm nhưng cũng có những điều mà các bạn sinh viên hoàn toàn có thể thực hiện được ngay từ bây giờ.

Nhưng chuyến đi không chỉ là những buổi học mà còn là những khoảnh khắc khám phá miền Tây của các bạn sinh viên. Phần lớn các bạn đều đến từ miền Bắc, miền Trung nên mảnh đất phía Nam của Tổ quốc còn nhiều điều lạ lẫm. Đây là dịp để các bạn đến thăm những địa danh nổi tiếng như điểm cuối của con đường Hồ Chí Minh, dinh thự của công tử Bạc Liêu, chợ nổi Cái Răng; trải nghiệm đi ghe qua những kênh rạch miền Tây; thưởng thức ẩm thực địa phương; tham gia các trò chơi truyền thống. Không chỉ thế, các bạn sinh viên còn có một đêm Gala đầy sôi động và một chương trình Teambuilding hào hứng, thể hiện tài năng, sức trẻ và sự đoàn kết gắn bó với nhau.

Chuyến Hành trình miền Tây cũng như những chuyến học tập thực tế khác thể hiện định hướng đào tạo của Khoa Du lịch: gắn lý thuyết với thực hành, tạo điều kiện cho sinh viên va chạm thực tế nhưng vẫn tạo được trải nghiệm học tập đáng nhớ. Với chuyến đi lần này, các thầy cô và các anh/chị điều hành, hướng dẫn viên của Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn hi vọng các bạn sinh viên đã thu thập được những điều bổ ích, lý thú cho bản thân và nghề nghiệp tương lai, có thêm những kỷ niệm khó quên thời sinh viên và trên hết là thêm tình yêu với nghề, với du lịch.

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Chương trình "Ánh trăng kết nối 2019"

Bài tiếp tiếp theo

Sinh viên Khoa Du lịch trường Đại học Nha Trang tham gia buổi giới thiệu về Dự án “Tourist”