Search

Giới thiệu khoa Du lịch

1. Bối cảnh ngành du lịch Việt Nam

Du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Với lợi thế về tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, ngành “công nghiệp không khói” này cùng với một số ngành dịch vụ hỗ trợ khác đang dần chiếm vị trí quan trọng trong ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam. Trong thực tế, du lịch có đặc thù là một ngành kinh doanh tổng hợp bao gồm nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ khác nhau. Để mang lại nhiều hơn giá trị kinh tế, chính trị, xã hội thiết thực cho quốc gia cũng như góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của tài nguyên du lịch ở mỗi địa phương thì việc phát triển nguồn nhân lực cần giữ vị trí trung tâm trong các chương trình quy hoạch và phát triển ngành du lịch.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác thủy sản; (5) Công nghiệp ven biển; và (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Như vậy, ưu tiên chiến lược là phát triển du lịch và dịch vụ biển với các trọng tâm cụ thể là: Chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của vùng miền, kết nối các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ. Tăng cường năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểu khoa học; chú trọng công tác giáo dục, y tế biển. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chiến lược phát triển ngành du lịch Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã khẳng định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp trong khu vực, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường.

Ngành du lịch Việt Nam trên định hướng phát triển đòi hỏi cao đối với nguồn nhân lực trong ngành về trình độ học vấn, kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng quản lý, đồng thời cần có sự tinh tế và nhạy cảm trong kinh doanh du lịch.

2. Bối cảnh đào tạo nhân lực du lịch duyên hải Nam Trung Bộ

Quy hoạch phát triển du lịch duyên hải Nam Trung Bộ đã chỉ rõ với đặc trưng du lịch nghỉ dưỡng biển, nhu cầu lao động cao hơn ở các vùng khác, dự kiến từ 1,4 lao động đến 1,5 lao động trực tiếp/1 buồng khách sạn và một lao động trực tiếp kèm theo 2,0 lao động gián tiếp; theo đó nhu cầu lao động cho toàn ngành vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2030 khoảng 230.000 lao động trực tiếp trong du lịch và 470.000 lao động gián tiếp ngoài xã hội. Đây được xem là một cơ hội trong phát triển đào tạo nhân lực du lịch thời gian tới.

Trong thực tế, duyên hải Nam Trung Bộ có hệ thống cơ sở đào tạo du lịch phát triển. Hiện tại, toàn vùng có 19 đại học; 27 cao đẳng; 13 trung cấp trong đó có 9 trường đại học (chiếm 47,4% trên tổng số trường đại học đào tạo chuyên ngành du lịch); 10 trường cao đẳng (chiếm 37% trên tổng số trường cao đẳng); 5 trung cấp (chiếm 38,5% trên tổng số trường trung cấp) có chuyên ngành đào tạo về du lịch với tổng lượng sinh viên, học viên hàng năm gần 3.500 sinh viên (Căn cứ vào thông tin chỉ tiêu tuyển tinh của từng trường). Ở cấp đào tạo là cao đẳng, trung cấp nghề có gần 70% tổng số cơ sở đào tạo nghề tham gia đào tạo nghề liên quan đến du lịch với tổng lượng sinh viên hàng năm khoảng 4.000 học viên. Tổng quy mô của các cơ sở đào tạo du lịch các cấp đào tạo với 7.500 người - con số này là khá thấp nếu xét theo nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Du lịch của Vùng.

Một số cơ sở đào tạo chưa chuyên sâu về du lịch: Các trường Cao đẳng Sư phạm trong Vùng (chỉ tập trung đào tạo ngoại ngữ du lịch, địa lý du lịch và văn hoá du lịch chưa tập trung vào nhóm ngành Quản trị kinh doanh lữ hành, khách sạn, nhà hàng), Trường Cao đẳng nghề, trung cấp nghề (đào tạo ngành Du lịch với trình độ trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật bậc 2/7 và 3/7). Các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa có số lượng cơ sở đào tạo tương đối đáp ứng được nhu cầu ngành, nghề du lịch. Một số tỉnh như Quảng Ngãi (không có cơ sở nào đào tạo liên quan đến du lịch), các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận, mỗi tỉnh chỉ có 1 cơ sở đào tạo có chuyên ngành du lịch. Do vậy năng lực và chất lượng đào tạo chuyên ngành du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ vẫn còn nhiều hạn chế và chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành thời gian qua.

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay có 04 cơ sở đào tạo du lịch cấp độ Đại học, Cao đẳng: trường Đại học Nha Trang, Đại học Khánh Hòa, Cơ sở 2 Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Thái Bình Dương. 07 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm có đào tạo nghề du lịch. Hàng năm, cơ sở này đào tạo các lĩnh vực liên quan đến nghề du lịch cho khoảng 4.000 sinh viên, học sinh. Trong đó có khoảng 300 sinh viên trình độ đại học, 1.200 sinh viên trình độ cao đẳng, số còn lại là trung cấp và sơ cấp. Những thiếu hụt trong cung và cầu ở trên đã mang lại cơ hội không nhỏ cho các cơ sở đào tạo chuyên về du lịch trong việc phát triển chương trình đào tạo và tăng quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, nó cũng tạo ra những thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng uy tín thương hiệu trong đào tạo/nghiên cứu du lịch nhằm tiến tới cạnh tranh với nhiều cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới/trong khu vực bị hấp dẫn bởi thị trường đào tạo và đặt trụ sở tại Nha Trang-Khánh Hòa cũng như một số địa phương có lợi thế phát triển du lịch biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

3. Sự hình thành và phát triển Khoa Du lịch

Năm 2006, Trường Đại học Nha Trang chính thức đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh Du lịch. Với sự lớn mạnh của ngành, Bộ môn Quản trị Du lịch chính thức thành lập vào tháng 10 năm 2010. Trải qua 17 khóa đào tạo, Bộ môn Quản trị Du lịch (trước đây) đã phấn đấu và tự tin cung cấp đội ngũ lao động ngành du lịch có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội.

Trong vòng năm năm trở lại đây, số lượng sinh viên đăng ký vào học ngành du lịch tăng lên với điểm đầu vào thuộc dạng cao nhất trường (2013-2014; 2014-2015; 2015-2016; 2016-2017; và 2017-2018). Đây là một minh chứng cho thấy về sự tín nhiệm của xã hội đối với ngành đào tạo du lịch của Nhà trường. Để đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành đào tạo du lịch phục vụ xã hội, Khoa Du lịch - Trường Đại học Nha Trang đã chính thức được thành lập theo quyết định của Hiệu trường từ tháng 1/2019. Đến nay, Khoa đã có hai chuyên ngành đào tạo: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (bậc đại học, cao đẳng), Quản trị khách sạn nhà hàng (bậc đại học, cao đẳng). Từ năm 2013, đã xây dựng và triển khai Chương trình quốc tế Pháp ngữ: Quản trị doanh nghiệp và du lịch (bậc đại học và sau đại học) trên cơ sở hợp tác đào tạo với các trường Đại học đối tác ở Pháp, với Tổ chức Đại học Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, Khoa đã phát triển đào tạo các lớp ngắn hạn thường xuyên cho học viên để nâng cao kỹ năng và tay nghề du lịch trong thực thi công việc (các lớp quản lý điều hành du lịch; nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và định hướng sẽ là nghiệp vụ buồng, bàn, bar; quản trị khách sạn nhà hàng…).

Ngày 28/4/2023, Chương trình đào tạo trình độ Đại học Quản trị Khách sạn (Khoa Du lịch – Trường Đại học Nha Trang) đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng chương trình đào tạo và cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học, có giá trị từ ngày 28 tháng 4 năm 2023 đến ngày 28 tháng 4 năm 2028, với tỷ lệ số tiêu chí đạt yêu cầu là 90%.

4. Định hướng chiến lược của Khoa Du lịch:

- Tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy/nghiên cứu (có kế hoạch và lộ trình cụ thể để đề xuất Nhà trường tiếp tục cử cán bộ trẻ học tiến sĩ đúng chuyên ngành du lịch ở trong và ngoài nước; đề xuất tuyển dụng cán bộ giảng dạy được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch...);

- Củng cố và nâng cao chất lượng chuyên ngành đào tạo Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn (hướng tới đào tạo theo hướng POHE); mở rộng các chuyên ngành đào tạo Tổ chức sự kiện và truyền thông; phát triển hình thức đào tạo liên thông, bằng hai và tiến tới đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh du lịch; củng cố các chương trình đào tạo ngắn hạn; mở rộng liên kết đào tạo theo mô hình 2+2 với một số trường đào tạo du lịch có uy tín trên thế giới.

- Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động NCKH của giảng viên và sinh viên thông qua việc chủ động đề xuất/đấu thầu các đề tài khoa học cấp trường, cấp Tỉnh và cấp Bộ nhằm hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với du lịch biển Khánh Hòa, duyên hải Nam Trung Bộ.

- Đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển các giáo trình, bài giảng (hiện đang thiếu ở Việt Nam liên quan đến kinh doanh du lịch); phát triển các sách chuyên khảo chuyên ngành du lịch phục vụ giảng dạy/nghiên cứu.

- Chú trọng liên kết với một số Khoa, Viện có thế mạnh trong trường (Khoa Kinh tế, Khoa Kế toán Tài chính, Khoa Công nghệ thực phẩm...) để phát triển các chương trình đào tạo có liên quan du lịch, ẩm thực ở cấp độ đại học và Sau đại học. Đồng thời gia tăng phối hợp công tác giảng dạy, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Thủy sản kết hợp với du lịch đang là lợi thế của Trường hiện nay.

- Chú trọng hơn nữa liên kết với các cơ sở kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong quá trình kiến tập, thực tập, đi thực tế, cơ hội làm việc; mời doanh nghiệp tham gia giảng dạy cũng như cùng giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn kinh doanh du lịch.

- Tìm kiếm và phát triển hoạt động hợp các quốc tế trong xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện các dự án nghiên cứu liên quan đến du lịch và kinh tế biển.

                                                                                                                                                       Trưởng Khoa Du lịch

                                                                                                                                               PGS. TS. Lê Chí Công

 

Giới thiệu

Ban lãnh đạo khoaBan lãnh đạo khoa

Ban lãnh đạo khoa

Cơ sở vật chấtCơ sở vật chất

Cơ sở vật chất

Giới thiệu khoaGiới thiệu khoa

Giới thiệu khoa



Các tổ chức đoàn thể


Công đoàn bộ phậnCông đoàn bộ phận

Công đoàn bộ phận

Chi bộChi bộ

Chi bộ

Đoàn KhoaĐoàn Khoa

Đoàn Khoa

Liên chi hộiLiên chi hội

Liên chi hội