Buổi làm việc và khảo sát về việc công nhận các cụm di tích lịch sử tại trường Đại học Nha Trang
Ngày 04/07/2020, Trường Đại học Nha Trang đã có buổi làm việc và tham quan khảo sát với PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; ThS Lê Văn Hoa – Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa. Về phía trường Đại học Nha Trang có TS. Trần Doãn Hùng – Phó hiệu trưởng, PGS. TS Ngô Đăng Nghĩa – Nguyên viện trưởng Viện công nghệ sinh học và môi trường cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên của Khoa Du lịch, Trung tâm Phục vụ Trường học.
Hiện nay, việc quan tâm, định hướng lấy các giá trị văn hóa làm giá trị cốt lõi là tư duy mang tầm chiến lược, phù hợp với bối cảnh kinh tế - văn hóa - xã hội ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nha Trang – Khánh Hòa có nhiều tài nguyên nhân văn và tự nhiên. Vịnh nha trang là một trong những đẹp nhất thế giới, đồng thời toàn tỉnh Khánh Hòa có 176 di sản cấp Tỉnh và 16 di sản cấp Quốc gia. Đó là nguồn tài nguyên phong phú cho du lịch Tỉnh nhà để quảng bá chiều sâu và sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam đến khách du lịch trong và ngoài nước.
Cuộc họp nhằm mục đích thảo luận về nhiệm vụ, vai trò và nội dung sơ bộ các công việc cần làm của các bên trong việc công nhận cụm di tích kiến trúc lịch sử tại trường bao gồm khu vực đồi Lasan, khu kiến trúc dòng Francisco và nhà nguyện Tin lành (hiện là nhà truyền thống của Đại học Nha Trang). Đây là các cụm di tích kiến trúc độc đáo, khác biệt với các di tích đã được công nhận của Tỉnh, mang trong mình dấu ấn của sự hình thành, phát triển của cả Tp. Nha Trang và trường Đại học Nha Trang. Do đó, việc công nhận mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự quan tâm và cam kết của Nhà trường và Tỉnh trong bảo vệ, đầu tư tu bổ tôn tạo; đóng góp vào nguồn di sản của Tỉnh và xây dựng thương hiệu gắn liền với giá trị nhân văn cốt lõi của Nhà trường.
Trường đại học Nha Trang là một trong những trường đại học có một vị trí, khuôn viên đẹp nhất Việt Nam với không gian trong xanh, thân thiện với thiên nhiên. Hiểu được giá trị của những kiến trúc hiện có, bản thân Nhà trường luôn thận trọng trong việc sửa chữa, đo đạc để đảm bảo giữ nguyên kích thức, cấu trúc nguyên bản của các cụm di tích. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Sở Văn hóa Thể thao và Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, công tác bảo tồn sẽ được tiến hành hiệu quả hơn nữa.
Buổi làm việc không chỉ dừng lại ở thảo luận việc công nhận di tích mà còn là dịp để các chuyên gia, các nhà giáo dục chia sẻ những suy nghĩ về việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để gìn giữ, phát triển giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam thông qua giáo dục từ cấp phổ thông đến đại học. Buổi làm việc mở ra các cơ hội hợp tác, giao lưu học hỏi giữa các bên nhằm đẩy mạnh hoạt động tìm hiểu về sự đa dạng các giá trị văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là dành cho đối tượng sinh viên của Đại học Nha Trang.
Cụ thể, trong thời gian ngắn làm việc tại Nha Trang, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn đã dành thời gian để nói chuyện với các sinh viên chuyên ngành Du lịch các lớp K61.QTKS (Chất lượng cao), K59.QTDL và K60.QTDL (Song ngữ Pháp-Việt) về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam”. Đây là một chủ đề mang hơi thở của thời đại khi tiếp cận về văn hóa theo hướng như một sức mạnh mềm của đất nước và việc phát triển văn hóa dân tộc đi đôi với nâng cao vị thế kinh tế - chính trị của đất nước. Buổi gặp gỡ và trò chuyện đã giúp các bạn sinh viên nắm được một số lý thuyết tư tưởng về văn hóa, định hướng phát triển đương đại và vai trò, nhiệm vụ của bản thân trong việc đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong thời đại mới.